04. BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ VIII (2017 - 2022)

Số kí hiệu BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ VIII
Ngày ban hành 18/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
____________________
PHẦN I
BÁO CÁO TỔNG KẾT
HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ VIII (2017 - 2022)

A. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phụng đạo yêu nước, kế thừa truyền thống 2000 năm Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từng bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội và ngoại giao. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đất nước đã diễn ra nhiều sự kiện lớn như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại hội toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX; Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công tốt đẹp. Nhiều vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo hội đã được bầu vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.  
Trên cơ sở chương trình hoạt động nhiệm kỳ VIII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 03 cấp hành chính Giáo hội, với 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh, thành; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh; 13 Ban, Viện Trung ương; 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết. Nhiều Phật sự quan trọng đã được triển khai và đạt kết quả tốt đẹp, như tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm, Lễ hội Văn hóa Phật giáo, công tác ngoại giao mang tầm vóc quốc gia, quốc tế và khu vực… cho đến các hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế tài chính, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế, Nghiên cứu Phật học, Thông tin truyền thông. Giáo hội đã công nhận 09 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước, gồm Cộng hòa Liên Bang Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan, Ucraina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào.
Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tiến hành nhằm mục đích tổng kết các mặt hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), đánh dấu một giai đoạn phát triển có chiều rộng lẫn chiều sâu của Giáo hội sau hơn 40 năm thành lập, khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.
B. CÁC THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA GHPGVN
I. VỀ MẶT TỔ CHỨC
1. Ban hành Thông tư, Thông bạch, Thông cáo.
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, các kỳ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Nghị quyết Hội nghị Thường niên, Trung ương Giáo hội đã ban hành nhiều Thông tư, Thông bạch và các văn kiện như tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư Kết hạ, Lễ hội Phật giáo, Hội thảo chuyên ngành của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội; Thông tư hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Tỉnh, Thành nhiệm kỳ 2022 - 2027; Triển khai công tác tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX; Thông bạch tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thông bạch cúng dàng công đức phí cho các hoạt động của Giáo hội; Thông cáo tổ chức Đại lễ tưởng niệm kỳ siêu anh linh anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong các thời kỳ chiến tranh; Cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, nạn nhân tử vong do đại dịch Covid-19; Thông bạch kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tham gia chương trình chống biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, vận động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, hạn hán; kêu gọi Tăng Ni, Phật tử cảnh giác trước âm mưu chia rẽ của những thế lực thù địch cùng nhiều văn bản liên quan khác.
2. Tổ chức các Lễ hội, sự kiện Phật giáo.
- Được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, và của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức tổ chức trọng thể Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, từ ngày 12-14/05/2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đại lễ Vesak LHQ 2019 đã thành công rực rỡ và diễn ra theo đúng chương trình, nội dung kịch bản Đề án tổng thể Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số: 853/VPCP ngày 08/04/2019.
Đánh giá sự thành công của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019, Trung ương Giáo hội nhận định: Có được sự thành công của kỳ Vesak lịch sử nhất trong các kỳ Vesak LHQ được tổ chức trên thế giới là nhờ vào sự nỗ lực, sự lãnh đạo sát sao của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, sự đóng góp tích cực của các Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố. Sự nhiệt tình hưởng ứng của toàn thể Tăng Ni, Phật tử GHPGVN. Nhiệt huyết và tâm huyết của Lãnh đạo Doanh nghiệp Xuân Trường. Sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực và các Ban, Bộ ngành Trung ương, của Lãnh đạo tỉnh Hà Nam, đặc biệt của Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Ban, Sở ngành của tỉnh Hà Nam.
- Để tôn vinh công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Dân tộc và Đạo pháp, hằng năm vào ngày 01/11 âm lịch, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Di tích Yên Tử đã phối hợp tổ chức Đại lễ tưởng niệm tại quảng trường Lễ hội Núi Yên Tử. Lễ Tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một trong những ngày lễ trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (1981 - 2021), Ban Tăng sự, Ban Giáo dục Phật giáo, Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban Nghi lễ, Ban TTXH, Ban Thông tin truyền thông, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phân ban Ni giới Trung ương, Phật giáo Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đã đồng loạt tổ chức các hoạt động như Tọa đàm, Hội thảo, triển lãm, chương trình văn nghệ, phát quà từ thiện, cho học bổng, xây cầu đường giao thông nông thôn, cho nhà tình thương, tình nghĩa, tặng quà cho chiến sĩ trường sa, hải đảo...
- Ngày 07/11/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 - 07/11/2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Đây là sự kiện trọng đại của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương và Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, nhằm ôn lại chặng đường 40 năm vẻ vang của GHPGVN với tinh thần “Hộ quốc an dân” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Điểm cầu Hà Nội tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh tại Hội trường Văn phòng Thường trực Hội đồng Trị sự và kết nối với Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành. Tham dự buổi lễ có sự hiện diện  của quý Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam có: ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ Trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Đại sứ nước Sri-lanka, Vương quốc Campuchia, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội cùng đại diện các Tôn giáo bạn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Đại Lễ.
Về phía Giáo hội có sự hiện diện chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành. Trước khi tiến hành Đại Lễ kỷ niệm, đại biểu tham dự đã dành một phút để tưởng niệm chư vị Lịch đại Tiền bối hữu công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các AHLS, chư Tôn đức Lãnh đạo GHPGVN viên tịch qua các thời kỳ, Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN tân viên tịch; tưởng niệm các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19. Thông điệp nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: Ngày 07/11/1981 là một sự kiện lịch sử trọng đại mang đầy ý nghĩa đối với Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử Việt Nam. Đó là ngày các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước đã chung sức, chung lòng, nhất tâm thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh mong muốn các cấp Giáo hội, các Ban, Viện ở Trung ương và địa phương, các sơn môn, hệ phái, Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử hãy tiếp tục nêu cao truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam, trưởng dưỡng đạo tâm để trang nghiêm Giáo hội. Hơn lúc nào hết, Tăng Ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một Tỳ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của Đạo Phật trong thời đại ngày nay.
Trong Diễn văn kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định, chặng đường 40 năm trưởng thành, phát triển, hội nhập cùng đất nước, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam có được tiền đồ như ngày nay ở trong nước và trên thế giới.
Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với đất nước và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPGVN trong suốt 40 năm với công tác phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN. Nhân sự kiện trọng đại này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 01 cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba  cho 10 cá nhân, tập thể của GHPGVN có nhiều đóng góp to lớn trong hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thừa ủy quyền của Chủ tịch nước đã trao tăng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thủ tướng Chính Phủ đã trao tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 15 cá nhân thuộc GHPGVN, UBTW MTTQ Việt Nam và Bộ Nội vụ đã Quyết định tặng Bằng khen cho quý vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, Cư sĩ tiêu biểu. Nhân Đại lễ, để chung tay công tác phòng chống dịch, GHPGVN đã ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 số tiền 1 tỷ đồng… Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021) đã đánh dấu bước trưởng thành và phát triển bền vững của Giáo hội.     
3. Tham dự các lễ hội, hội thảo trong nước và quốc tế:
Tham dự Đại lễ Vesak tại Thái Lan; Hội nghị các tôn giáo tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức; Đón tiếp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chức sắc tôn giáo bạn đến thăm; đón tiếp các đoàn Ngoại giao, các tổ chức Phật giáo nước ngoài thăm hữu nghị GHPGVN và tham dự nhiều Phật sự quan trọng khác.
Ngày 23/9, tại thủ đô Vientiane (Lào), Đoàn đại biểu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hội đàm với Trung ương Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào. Hội đàm do Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hòa Thượng Bounma Simavong, Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào đồng chủ trì. Cùng dự có Chư tôn đức Tăng Ni hai nước, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và đại diện Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước.
Hòa Thượng Bounma Simavong bày tỏ vui mừng được đón Đoàn đại biểu Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm Lào đúng vào dịp hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022.
Trong bối cảnh thế giới đang hội nhập sâu sắc, Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào cần tăng cường hợp tác hữu nghị, phối hợp chặt chẽ trong công tác Phật sự, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, từ thiện xã hội, các Phật sự cộng đồng, và ứng dụng khoa học công nghệ trong Phật sự… để có thể đáp ứng nhu cầu xã hội và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn nạn toàn cầu đang phải đối diện như khủng hoảng niềm tin, xung đột bạo lực, khủng hoảng môi trường, biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh dịch… nhằm đem lại đời sống an lạc, hòa bình thịnh vượng cho nhân loại.
Tại hội đàm, hai bên nhất trí cần phát huy những kết quả đã đạt được trong sự hợp tác, giao lưu giữa Phật giáo hai nước Việt Nam và Lào trong thời gian vừa qua; tiếp tục tăng cường giáo dục truyền thống đoàn kết, hữu nghị tình anh em đặc biệt giữa cộng đồng Phật tử và nhân dân hai nước.
4. Tổ chức Đại hội Phật giáo các cấp.
- 63/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức hoàn tất Đại hội Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công Đại hội Phật giáo cấp tỉnh, thành nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trung ương Giáo hội đã ra quyết định chuẩn y nhân sự.
- Thành viên Ban Trị sự GHPGVN các cấp là đại diện của các tổ chức, Hệ phái Phật giáo, Tăng Ni, Cư sĩ có phẩm chất đạo đức và năng lực điều hành Phật sự.
5. Tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội, hội nghị giao ban:
- Hằng năm, trước khi vào mùa An cư Kết hạ, Trung ương Giáo hội đều tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội tại 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội. Hội nghị quy tụ đại biểu đại diện Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành; đại diện Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
- Tại 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội và Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành. Tại Hội nghị giao ban, chư Tôn đức đại diện BTS GHPGVN các tỉnh, thành đã báo cáo các hoạt động Phật sự với những thuận lợi và khó khăn tại địa phương thông qua các hoạt động về Tăng sự, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử... đồng thời, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giải quyết các vấn đề còn tồn đọng tại địa phương.
II. HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CHUYÊN NGÀNH
1. Công tác Tăng sự
1.1. Thống kê Tăng Ni, Tự viện.
Theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau:
- Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ.
- Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa).
- Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.
1.2. Cấp giấy Chứng nhận Tăng Ni.
Ban Tăng sự Trung ương đã cấp 8.967 giấy chứng nhận Tăng Ni; cấp 216 giấy Chứng nhận Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer.
1.3. Tổ chức An cư kết hạ.
Hàng năm, Trung ương Giáo hội đều có Thông bạch hướng dẫn đơn vị Phật giáo các tỉnh thành tổ chức An cư Kết hạ. Mỗi năm có khoảng 45.000 Tăng Ni an cư tập trung và Tăng Ni an cư tại chỗ, trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, không phân biệt Sơn môn, Hệ phái.
Về nội dung tu học, Ban giảng huấn các Trường hạ đã trích giảng Kinh, Luật, Luận, giảng chuyên đề và sinh hoạt Giáo hội. Đồng thời, đại diện Ban Tôn giáo, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận đã đến trình bày một số chuyên đề về chính sách Tín ngưỡng, Tôn giáo, báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước, triển khai Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và phổ biến các Nghị định của Chính phủ, thực hiện cuộc vận động phong trào hội thi tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho Tăng Ni các Trường hạ để góp phần làm “tốt Đạo, đẹp Đời”.
Theo đề nghị của Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, Trung ương Giáo hội đã duyệt cấp 13.955 chứng điệp an cư cho Tăng Ni an cư lần đầu.
1.4. Tổ chức Giới đàn, cấp giấy chứng điệp thụ giới.
Đáp ứng yêu cầu thọ giới tu học, hành đạo của Tăng Ni và để trang nghiêm ngôi Tam bảo, Trung ương Giáo hội đã cho phép 48/63 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành tổ chức 70 Đại giới đàn, có 23.524 giới tử thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni, Thức xoa, Sa di, Sa di Ni và hàng ngàn giới tử phát nguyện thụ thập thiện và Bồ Tát giới. Các Đại giới đàn đều được tổ chức nghiêm túc đúng theo quy phạm Thiền gia.
Ban Tăng sự Trung ương đã duyệt cấp 22.955 chứng điệp thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni, Thức xoa, Sa di và Sa di Ni. Tiếp tục duyệt cấp Chứng điệp thụ giới cho các giới tử tại các Giới đàn.
1.5. Công tác quản lý cơ sở, tự viện.
Thông qua ý kiến của Ban Tăng sự Trung ương và Ban Tăng sự Phật giáo các tỉnh thành, các cơ quan chức năng, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành đã thực hiện công tác bổ nhiệm trụ trì, hợp thức hóa trụ trì, bổ nhiệm Ban Quản trị, Ban Hộ tự, công nhận cơ sở tự viện, lập thủ tục chuyển vùng tu học và sinh hoạt Phật sự của Tăng Ni như sau:
- Bổ nhiệm trụ trì, Ban Hộ tự, Ban Quản trị: 2.097 cơ sở.
- Công nhận 267 cơ sở Tự viện thành lập mới và xin gia nhập Giáo hội.
- Chuyển vùng tu học và sinh hoạt tôn giáo:
+ Chuyển vùng tu học và sinh hoạt tại các tỉnh phía Bắc: 190 Tăng Ni.
+ Chuyển vùng tu học và sinh hoạt tại các tỉnh phía Nam: 504 Tăng Ni.
- Xác nhận xuất gia: 6.015 Cư sĩ Phật tử.
1.6. Bồi dưỡng Trụ trì và sinh hoạt hành chính Giáo hội.
Để tăng cường hiệu năng quản lý sinh hoạt, điều hành, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học, sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở, vị trụ trì có chức năng là cầu nối, là cán bộ của Giáo hội tại địa phương, Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã tổ chức thành công các khóa Bồi dưỡng Trụ trì, bồi dưỡng nghiệp vụ Hành chính cho 34.142 lượt Tăng Ni, Cư sĩ là các thành viên Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện, Tăng Ni trụ trì, chuẩn bị trụ trì các cơ sở Tự viện tham dự.
Ngoài ra, tại một số đơn vị, Ban Trị sự phối hợp với Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai học tập Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng cho các chức sắc, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN.
1.7. Sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Khmer.
Để các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khner được thuận lợi, Trung ương Giáo hội tiếp tục hỗ trợ các hoạt động Phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer như công tác xây dựng các hạng mục tiếp theo của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ, cấp giấy Chứng nhận Tu sĩ...
Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer được tổ chức tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi, vào ngày 17, 18/12/2020 tại tỉnh Vĩnh Long. Với chủ đề: "Truyền thống, Trách nhiệm, Hội nhập, Phát triển", Hội nghị đã tổng kết 16 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác hỗ trợ các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer (2004 - 2020); tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và sự hỗ trợ của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác quản lý, sinh hoạt tu học, hành đạo của chư Tăng, Tự viện và Phật tử, để Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer phát triển một cách đồng bộ có chiều rộng lẫn chiều sâu, mang tính đặc thù của Hệ phái và bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; đồng thời đóng góp vào các thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022).
Ngày 26/8/2022, Phật giáo Nam tông Khmer đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời - Đạo nghiệp - Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc” tại chùa  Candaransì, số 164/235 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, với sự tham dự của Đại biểu Phật giáo, học giả, nhà nghiên cứu, Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện các Cơ quan Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Đại biểu Sở Nội vụ - Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt.
1.8. Phân ban Ni giới.
- Đã có 49 Phân ban Ni giới thuộc các tỉnh, thành được thành lập. Các hoạt động Phật sự của Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành tương đối nhịp nhàng với các hoạt động của Giáo hội các cấp.
- Phân ban Ni giới Trung ương kết hợp với Phân ban Ni giới Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai tổ chức lễ giỗ Tổ Kiều Đàm Di và tưởng niệm chư vị tiền bối Ni, các vị thánh tử đạo và tọa đàm nhân Đại lễ tưởng niệm.
- Phân ban Ni giới Trung ương, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Lâm Đồng tổ chức Lớp Bồi dưỡng Luật “Các Pháp Yết Ma” cho chư Ni các tỉnh, thành.
- Phân ban Ni giới Trung ương, Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh đã đến thăm và cúng dàng các Trường hạ Ni tại Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Đông, Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc.
- Khuyến khích chư Ni trẻ, nhất là chư Ni du học sinh đã tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học và các chuyên ngành tích cực phục vụ công tác Phật sự của Giáo hội các cấp, các hoạt động Phật sự của Phân ban Ni giới Trung ương và địa phương, viết bài cho Đặc san Hoa Đàm.
- Đối với công tác Từ thiện xã hội, Phân ban Ni giới Trung ương, Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã rất tích cực trong việc tổ chức các đoàn chư Ni và Phật tử trực tiếp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, khám, chữa bệnh và phẩu thuật cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, hỗ trợ phẩu thuật tim cho các bệnh nhi, tặng học bổng .v.v… Rất nhiều chương trình thiện nguyện đã được Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh thành thực hiện trong công tác phòng chống Covid-19 cũng như hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Ấn Độ.
Đặc san Hoa Đàm (tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam), do Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện làm Tổng Biên tập, vẫn xuất bản đều đặn, mỗi tháng 01 số, với nhiều nội dung phong phú.
2. Công tác Giáo dục Phật giáo
2.1. Công tác tổ chức.
Nhằm đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ có trình độ về Phật học và thế học, chương trình giáo dục và đào tạo Tăng Ni luôn được Giáo hội quan tâm đặc biệt. Qua đó, công tác chuyên ngành giáo dục Phật giáo đạt được những thành tựu như sau:
- Thăm viếng và làm việc, trao đổi với các Học viện Phật giáo Việt Nam, các Trường Trung cấp Phật học và các Lớp Cao đẳng Phật học trong toàn quốc, để nắm tình hình sinh hoạt tại các Trường và Học viện, hướng dẫn và giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác giáo dục tại địa phương. Đặc biệt là trao đổi, thảo luận việc thực hiện chương trình cải cách Giáo dục hệ Trung cấp Phật học 3 năm, phương thức biên soạn sách Giáo Khoa Trung cấp Phật học, phổ biến việc áp dụng Nội quy Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022).
- Chương trình biên soạn sách giáo khoa Trung cấp Phật học đã cơ bản hoàn thành như Phật học cơ bản, Anh Văn Phật pháp, Di Giáo, Luật Sa di, Oai Nghi, Bát Đại Nhân Giác, Tứ thập Nhị chương, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Văn điển Phật giáo.... Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã cho in ấn và phân phối đến các trường Trung cấp Phật học.
2.2. Đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật giáo.
Để phát triển, nâng cao hệ thống giáo dục đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, tại công văn số 1171/VPCP-NC ngày 13/10/2011 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Trung ương Giáo hội mở thí điểm đào tạo Thạc sĩ (MA) chuyên ngành Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam - Tp. Hồ Chí Minh và có văn thư số 321 ngày 10/6/2017 đề nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ, trình Thủ tướng chấp thuận cho phép GHPGVN được tổ chức chương trình đào tạo chính thức sau Đại học tại 04 Học viện Phật giáo Việt Nam.
Qua đó, ngày 22/8/2017, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị để đánh giá việc đào tạo thí điểm Thạc sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và xin phép đào tạo sau Đại học chính thức của Giáo hội, với sự tham dự của Trung ương Giáo hội, 04 Học viện Phật giáo Việt Nam và các Bộ ngành Trung ương có liên quan gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Giáo dục và Nhi đồng của Quốc hội. Sau khi thảo luận và đánh giá, các Bộ ban ngành của Chính phủ đã chấp nhận chủ trương cho Giáo hội chính thức đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại 04 Học viện Phật giáo Việt Nam. Qua đó đã đào tạo được 194 Tăng Ni tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học (Hà Nội: 07 vị, Tp. Hồ Chí Minh: 166 vị, Huế: 21 vị); đang đào tạo 298 Tăng Ni theo học chương trình Thạc sĩ và 43 Tiến sĩ Phật học.  
2.3. Cử nhân Phật học.
Trong nhiệm kỳ VIII, đã có 2.156 (Hà Nội: 300, Huế: 683. Tp. Hồ Chí Minh: 1,173) Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học hệ chính quy; 842 Cử nhân Phật học hệ Đào tạo từ xa; đang đào tạo 2.522 Tăng Ni sinh Hệ chính qui; 1.426 sinh viên Hệ đào tạo từ xa; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có 150 Tăng sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa từ khớa I đến khóa V; đang đào tạo Khóa VI, VII: 45 vị.
+ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội mở lớp Hán Nôm với 100 Tăng Ni sinh theo học.

 File đính kèm