35. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁP CHẾ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẤP TỈNH

Số kí hiệu Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên
Ngày ban hành 20/11/2022
Thể loại Văn kiện đạI hộI phật giáo khóa ix
Lĩnh vực THAM LUẬN ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)
Cơ quan ban hành BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI KHÓA IX
Người ký BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO KHÓA IX (2022-2027)

Nội dung

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
 TRONG HOẠT ĐỘNG PHÁP CHẾ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CẤP TỈNH
 
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên
THAM LUAN 35 copy


Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính thưa Đại hội!
Phật giáo là một trong những tổ chức cộng đồng ra đời sớm trong lịch sử nhân loại. Trong đó, Tăng già - đoàn thể hoà hợp của các vị Tỷ khiêu và Tỷ khiêu Ni, là biểu hiện sự hiện hữu của Đức Phật trên thế gian trong suốt 26 thế kỷ qua, chịu trách nhiệm duy trì mạng mạch giáo pháp Như Lai. Chúng ta có thể tự hào rằng, thời gian hơn 2600 năm đó đủ dài hơn bất kỳ một đế chế hùng mạnh nào, không cần sức mạnh của vũ khí, không quân đội, mà chỉ tồn tại nhờ vào sức mạnh của trí tuệ, từ bi và Giới luật. Nhận biết được tương lai của Phật pháp phụ thuộc vào sức sống của Tăng đoàn, trong hơn 40 năm kể từ ngày thành lập (1981-2022), Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nỗ lực kế thừa truyền thống 2000 năm Phật giáo Việt Nam, phát huy và xây dựng tổ chức Tăng già thanh tịnh, hoà hợp, vững mạnh, thượng tôn Giới luật của Phật chế định.
Trước bối cảnh xã hội biến động không ngừng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng từng bước chuyển mình thích ứng với sự phát triển của văn minh thời đại, nhiều thách thức lớn được đặt ra về việc tuân thủ Giới luật của Tăng Ni cũng như nhiều mối quan hệ pháp lý phát sinh trên cơ sở luật pháp hiện hành. Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 - 2017 đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cơ quan chuyên môn, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu trực tiếp cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực pháp lý. Theo đó, Ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố cũng được thành lập và có chức năng, nhiệm vụ tại địa phương tương tự chức năng nhiệm vụ của Ban Pháp chế Trung ương Giáo hội.
Thông qua việc nâng tầm và mở rộng quy mô hoạt động của ngành Pháp chế, GHPGVN đã thể hiện mong muốn làm tốt công tác pháp chế Phật giáo để xây dựng Giáo hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ khá phổ quát, từ việc liên quan đến soạn thảo văn bản quy phạm của Giáo hội; đề xuất phương án xử lý văn bản trái quy định, không phù hợp; tổ chức phổ biến Hiến chương, Quy chế, Nội quy và các Nghị quyết của Giáo hội; đến việc phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của Tăng Ni, Phật tử; hỗ trợ tư pháp, tham gia bảo vệ quyền lợi cho Tự viện, Tăng Ni; đề xuất, khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.., thực sự công việc của ngành Pháp chế không hề dễ dàng, trong quá trình hoạt động đã gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
1. Khó tuyển chọn nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc.
Để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi mỗi thành viên Ban Phápchế  Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các địa phương phải hội đủ các yếu tố:
- Nắm vững giới luật Phật chế, Pháp luật Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
- Có kỹ năng hành chính, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng thuyết trình.
- Có khả năng vận dụng linh hoạt, nhạy bén trong xử lý tình huống.
- Nhiệt tình, công tâm, khéo léo, tế nhị nhưng cũng không ngại va chạm.
- Có thời gian và hạnh nguyện cống hiến.
Đây là một điều rất khó.
2. Nhân sự mỏng, không chuyên trách.
Phần lớn thành viên trong Ban Pháp chế cấp địa phương tham gia cho đủ số lượng, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Đặc biệt là có rất ít thành viên chuyên trách.
3. Việc phối hợp với các Ban, Ngành chưa nhịp nhàng.
Từ hạn chế trong công tác nhân sự, hoạt động của Ban thiếu tính chuyên sâu, không thường xuyên nên việc phối hợp với các ban, ngành khác như Tăng sự, Kiểm soát, Thư ký, Văn phòng …. chưa nhịp nhàng.
4. Khó bao quát được lượng công việc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Pháp chế gần như chỉ thuần tuý tham gia giải quyết những vấn đề liên quan giới luật Phật và đời sống phạm hạnh Tăng Ni, chưa có điều kiện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác.
Kính thưa Đại hội!
Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, qua kinh nghiệm hoạt động tại địa phương, để Ban Pháp chế tại các tỉnh, thành hoạt động hiệu quả hơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên xin có một vài đề xuất:
1) Kính đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức các khoá bồi dưỡng kỹ năng, phổ biến kiến thức chuyên môn cho Ban Pháp chế Giáo hội các tỉnh, thành.
2) Đề nghị Ban Thường trực, các ban chuyên trách Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, các Ban Trị sự cấp huyện thường xuyên thông tin kịp thời tới Ban Pháp chế các Phật sự có liên quan đến chuyên môn của Ban. Cần có sự phối hợp nhất quán trong xử lý công việc, dành thời gian để Ban Pháp chế tiếp cận, thu thập tư liệu liên quan đến các vụ việc, từ đó Ban Pháp chế mới có thể phát huy vai trò tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết với Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh một cách hiệu quả.
3) Đề nghị Ban Thường trực, Thư ký, Văn phòng Ban Trị sự cấp tỉnh khi xây dựng kế hoạch hoạt động, soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm hành chính Giáo hội, cần có sự tư vấn, tham mưu của Ban Pháp chế. Đồng thời kết hợp cùng Ban Pháp chế có kế hoạch rà soát, hệ thống hóa các văn bản của Giáo hội tỉnh, đề xuất phương án xử lý những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo trái quy định, hoặc không còn phù hợp.
4) Trong quá trình công tâm thừa hành Phật sự, tham mưu cho Ban Thường trực, Ban Tăng sự xem xét khen thưởng hoặc kỷ luật tập thể, cá nhân thuộc Giáo hội, Ban Pháp chế rất mong quý Tăng Ni có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, tránh suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng tới tinh thần, danh dự của Ban Pháp chế.
Trên đây là ý kiến tham luận về hoạt động Pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên.
Xin trân trọng cảm ơn Đại hội!
 

 File đính kèm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây